top of page
News

Kiến nghị của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam về Chiến lược Năng lượng của AIIB

Hà Nội, Ngày 07 tháng 06 năm 2017

Kính gửi các thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Đầu tư Cơ Sở hạ tầng Châu Á (AIIB),

Chúng tôi, những tổ chức xã hội dân sự hoạt động vì sự phát triển bền vững ở Việt Nam, trân trọng gửi tới quý vị mối quan tâm và kiến nghị về một số điểm liên quan tới Chiến lược Năng lượng của AIIB được đưa ra trong Bản thảo gần đây.

Trước hết, chúng tôi đánh giá rất cao hoạt động tham vấn của AIIB nhằm thông báo và lấy ý kiến của các bên liên quan về việc xây dựng Chiến lược Năng lượng của Ngân hàng. Đồng thời, chúng tôi cũng rất ủng hộ mục tiêu mà Chiến lược đưa ra:

“Chiến lược được xây dựng dựa trên các nguyên tắc cơ bản của sáng kiến Năng lượng Bền vững cho Tất cả mọi người (SE4ALL), Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, và Hiệp đinh Paris (Hộp 1). Chiến lược này đưa ra khung hỗ trợ của Ngân hàng đối với các quốc gia đối tác: (i) phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng năng lượng đồng thời hỗ trợ các quốc gia chuyển dịch sang cơ cấu năng lượng giảm phát thải các bon; và (ii) đạt được các mục tiêu và cam kết trong các sáng kiến toàn cầu.”[1]

Bên cạnh những điểm tích cực, chúng tôi hết sức quan ngại về chính sách của Ngân hàng đối với đầu tư cho nhiệt điện than và thủy điện.

Theo Bản thảo Chiến lược:

Ngân hàng “Có thể hỗ trợ các dự án sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch nếu những dự án này sử dụng công nghệ phát thải ít các bon nhất đã được thương mại hóa. Ở nhiều quốc gia, nhà máy điện khí có thể được xem xét là phương án phù hợp. Ngân hàng cũng có thể xem xét đầu tư cho các nhà máy điện dầu và than hiệu suất cao nếu những nhà máy này thay thế các nhà máy hiệu suất thấp hơn hoặc cần thiết để đảm bảo tính tin cậy và toàn vẹn của hệ thống, hoặc không có phương án thay thế khả thi hoặc phù hợp năng lực tài chính trong một số trường hợp đặc biệt, ví dụ như ở các quốc gia thu nhập thấp.”[2]

Chúng tôi nhận thấy rằng cách dùng từ không rõ ràng như “nhà máy điện than hiệu suất cao” và “phương án thay thế khả thi hoặc phù hợp năng lực tài chính” sẽ cho phép đầu tư vào cái được gọi là “công nghệ than sạch”. Điều này không phù hợp với mục tiêu giảm phát thải các bon mà Ngân hàng đã đưa ra. Nếu thực sự cam kết thực hiện mục tiêu khí hậu theo Hiệp định Paris, Ngân hàng cần cân nhắc theo căn cứ khoa học rằng không được xây dựng thêm bất cứ nhà máy điện than với bất cứ loại công nghệ nào ở bất cứ đâu trên toàn cầu. Ngân hàng cần hiểu rõ rằng chúng ta đang đứng giữa hai sự lựa chọn hoặc là loại bỏ nguồn năng lượng bẩn này ngay bây giờ, hoặc là chấp nhận mức tăng nhiệt độ toàn cầu vượt “ngưỡng cho phép”.

Đối với bối cảnh cụ thể của Việt Nam, sự phát triển nhiệt điện than trong thời gian qua đã gây ra hàng loạt các tác động tiêu cực tới môi trường, sức khỏe và sinh kế của người dân. Một nghiên cứu gần đây của đại học Harvard chỉ ra rằng điện than là thủ phạm gây ra 4.300 ca tử vong sớm ở Việt Nam vào năm 2011. Nghiên cứu cũng ước tính rằng nếu tất cả các nhà máy điện than trong Quy hoạch Điện VII được xây dựng và đi vào hoạt động, con số này sẽ tăng lên 19.220.[3],[4] Người dân ở nhiều nơi đã bày tỏ lo ngại về tác động của nhiệt điện than. Công chúng nói chung đánh giá nhiệt điện than là loại hình sản xuất năng lượng gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, như Ngân hàng đã đánh giá, Việt Nam là một trong những quốc gia bị đe dọa nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Việc đầu tư cho các dự án nhiệt điện than với bất cứ loại công nghệ nào sẽ càng đặt ra thách thức lớn hơn cho Việt Nam trong việc ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, cam kết quốc tế về giữ mức tăng nhiệt độ dưới 2oC sẽ là thách thức cho các khoản đầu tư mới vào nhiệt điện than với nguy cơ trở thành tài sản ứ đọng trong tương lai, tác động tiêu cực tới nền kinh tế Việt Nam. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đầu tư vào loại hình sản xuất năng lượng đầy tranh cãi này không phải là một quyết định sáng suốt.

Bên cạnh vấn đề nhiệt điện than, chúng tôi cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về dự định của Ngân hàng trong việc đầu tư cho dự án thủy điện ở tất cả các quy mô, như được trình bày trong Bản thảo Chiến lược: “Phát triển thủy điện, ở tất cả các quy mô, nếu đảm bảo về môi trường và xã hội, có thể đóng góp quan trọng cho cung cấp năng lượng bền vững.”[5] Kinh nghiệm từ các Ngân hàng Phát triển Đa phương khác đã cho thấy đầu tư vào các dự án thủy điện quy mô lớn gây ra nhiều mối đe dọa tới cuộc sống và sinh kế của cộng đồng địa phương. Đặc biệt là Việt Nam, một nước ở hạ nguồn, đang phải chịu nhiều tác động tiêu cực do các dự án thủy điện quy mô lớn ở thượng nguồn gây ra và bị đe dọa nghiêm trọng trước kế hoạch xây dựng thêm các dự án thủy điện trong tương lai. Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam là nơi bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Bên cạnh những giá trị về đa dạng sinh học, Đồng bằng Sông Cửu Long giữ vai trò quan trọng đảm bảo an ninh lương thực cho quốc gia và khu vực. Phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mekong sẽ gây ra những tổn thất nghiêm trọng đối với các loài thủy sản, đa dạng sinh học và nguồn phù sa bù đắp cho vùng đồng bằng, và khi đó nông dân là những người chịu thiệt thòi nhiều nhất. Ngoài ra, sự suy giảm phù sa sẽ khiến cho tình trạng xâm nhập mặn và xói lở của khu vực này trở nên nghiêm trọng hơn.

Ảnh: Nguyễn Đình Thành

Cuối cùng, chúng tôi khẳng định chuyển dịch sang năng lượng tái tạo là xu thế của toàn cầu và khu vực. Báo cáo Hiện trạng Năng lượng tái tạo Toàn cầu của REN21 nhấn mạnh công suất năng lượng tái tạo tiếp tục tăng với chi phí giảm đi rõ rệt. Năm 2016 năng lượng tái tạo tiếp tục lập kỷ lục mới, với 161 GW được lắp đặt, trong khi đó vốn đầu tư giảm 23% (241,6 tỷ USD). Công suất năng lượng tái tạo toàn cầu năm 2016 đã tăng thêm gần 9% so với năm 2015, đưa tổng công suất lên gần 2.017 GW.

Christine Lins, Thư ký điều hành của REN21, khẳng định: "Thế giới đang chạy đua với thời gian. Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để giảm lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và tiết kiệm chi phí là loại bỏ than và đẩy nhanh đầu tư vào tiết kiệm năng lượng và các nguồn năng lượng tái tạo. Tháng một năm nay Trung Quốc đã quyết định đóng cửa hơn 100 nhà máy điện than trên cả nước. Trung Quốc đã nêu gương cho tất cả các chính phủ, khẳng định: thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng khi có sự vào cuộc của chính phủ - bằng cách đưa ra các chính sách rõ ràng, dài hạn và các ưu đãi tài chính”.

Việt Nam là quốc gia có tiềm năng năng lượng dồi dào, đặc biệt là năng lượng gió, mặt trời và sinh khối. Trước sự bùng nổ của phát triển công nghệ và giảm giá nhanh chóng trong ngành công nghiệp năng lượng tái tạo, Việt Nam có cơ hội rất lớn để chuyển dịch sang sản xuất điện từ năng lượng tái tạo thay thế nhiệt điện than nhằm thúc đẩy phát triển nền một nền kinh tế xanh.

Nhiều quốc gia trong khu vực, với ví dụ tiêu biểu của Trung Quốc đang dịch chuyển từ nguồn năng lượng bẩn sang năng lượng tái tạo để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí và mang lại lợi ích về nhiều mặt cho người dân và nền kinh tế quốc gia.

Từ những phân tích trên chúng tôi mong muốn rằng hỗ trợ tài chính của AIIB sẽ không để lại quốc gia nào ở phía sau xu thế phát triển của toàn cầu. Để đạt được điều đó, chúng tôi đề nghị Ngân hàng thực hiện đúng như khẩu hiệu của mình là một ngân hàng “tinh gọn, sạch và xanh”, kiên quyết không đầu tư cho các dự án điện than dù với bất cứ công nghệ nào, đồng thời không hỗ trợ các dự án thủy điện quy mô lớn trên dòng chính của các con sông. Thay vào đó, chúng tôi kêu gọi Ngân hàng ưu tiên đầu tư cho phát triển năng lượng tái tạo để đạt được cam kết của AIIB với mục tiêu khí hậu mà Hiệp định Paris đặt ra.

Trân trọng!

Các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam kiến nghị bao gồm:

1/ Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Website: https://www.vsea.info/

2/ Mạng lưới sông ngòi Việt Nam (VRN)

Website: http://vrn.org.vn/vi/

3/ Nhóm công tác về Biến đổi Khí hậu (CCWG)

Website: http://www.ngocentre.org.vn/ccwg

4/ Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG)

Website: http://www.ppwgvietnam.info/vi

5/Liên minh phòng chống các bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs - VN)

Website: http://rtccd.org.vn/

6/ Liên minh vận động chính sách y tế dựa và bằng chứng khoa học (EBHPD)

Website: http://ebhpd.vn/

7/ Nhóm công tác về Dân tộc Thiểu số (EMWG)

Website: http://www.ngocentre.org.vn/emwg

8/ Mạng lưới các tổ chức phi chính phủ Việt Nam về Thực thi Lâm luật, Quản trị rừng và Thương mại Lâm sản (VNGO-FLEGT)

Website: http://www.srd.org.vn/index.php/home-vn

[1] Đoạn 4. Bản thảo Chiến lược Năng lượng.

[2] Đoạn 36. Bản thảo Chiến lược Năng lượng.

[3] Báo cáo “Burden of Disease from Rising Coal-fired Power Plant Emissions in South East Asia”. Tháng 1, 2017.

[4] Quy hoạch điện VII của Việt Nam đã được điều chỉnh vào tháng 3 năm 2016, giảm 20.000 MW nhiệt điện than. Theo đó, số ca tử vong sớm ước tính vào năm 2030 do tác động của nhiệt điện than giảm xuống còn 15.700.

[5] Đoạn 34, Bảo thảo Chiến lược Năng lượng.


Featured Posts
Search News By Category
  • Facebook Social Icon
Follow Us
bottom of page