top of page
News

THÔNG ĐIỆP TỪ CHƯƠNG TRÌNH TUẦN LỄ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO VIỆT NAM 2017

Việt Nam cần gỡ bỏ các nút thắt để Năng lượng tái tạo cất cánh, tăng cường tiếp cận điện cho người nghèo, phát triển kinh tế Xanh, bảo vệ môi trường và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trong thời gian từ ngày 21 đến ngày 25 tháng 8 năm 2017 vừa qua, tại Hà Nội và Cần Thơ, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã tổ chức thành công chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo Việt Nam 2017. Đây là Tuần lễ Năng lượng tái tạo thường niên lần thứ 2 được VSEA phối hợp với các cơ quan nhà nước, tổ chức khoa học, doanh nghiệp, các tổ chức NGOs tổ chức thành công. Tuần lễ Năng lượng tái tạo thường niên lần thứ 2 là một chuỗi hoạt động diễn ra trong một tuần với các hội thảo, tọa đàm, tham quan thực tế, triển lãm cùng các sự kiện bên lề.

Chương trình đã thu hút sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu là đại diện lãnh đạo của Ủy ban nhân dân các tỉnh, cán bộ quản lý của các Sở ngành liên quan, nhà đầu tư, đối tác phát triển, các doanh nghiệp, các nhà khoa học, tổ chức phi chính phủ, trường đại học trong cả nước. Chương trình cũng thu hút được 11.000 lượt người tiếp cận và 8.000 lượt người theo dõi trực tiếp trên kênh fanpage của GreenID và VSEA. Hơn 50 cơ quan truyền thông đã đưa tin về sự kiện. Tại chương trình nhiều nội dung liên quan đến các chủ đề như hiểu đúng về năng lượng tái tạo và thúc đẩy chuyển dịch năng lượng Xanh ở Việt Nam, tư duy Xanh, tài chính bền vững, thị trường điện mặt trời, các giải pháp năng lượng tái tạo cho cộng đồng không có lưới điện được đưa ra thảo luận.

Phát biểu tại lễ khai mạc sự kiện, Ông Lê Bộ Lĩnh, Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề cao vai trò của năng lượng tái tạo trong phát triển kinh tế hiện nay và cho rằng, sự tương tác giữa những người làm chính sách, các nhà khoa học, doanh nghiệp, cùng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế là điều kiện quan trọng để đảm bảo các cơ chế, chính sách, chương trình phát triển năng lượng tái tạo đem lại hiệu quả cao khi triển khai trong thực tế.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ nhận định “Năng lượng tái tạo mang lại cơ hội chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào các ngành kinh tế tiêu tốn nhiều năng lượng và tài nguyên sang hướng sử dụng nguồn năng lượng sạch để phát triển bền vững. Đây cũng là cơ hội tiếp cận năng lượng cho người nghèo, ở vùng sâu vùng xa, với sự phát triển nhanh chóng về mặt công nghệ, giá cả của năng lượng tái tạo cũng không còn xa xỉ. Nhà nước cần có nhiều nỗ lực hơn để có các cơ chế hướng dẫn cụ thể, kết nối nhu cầu và sản xuất, tăng cường phối hợp giữa địa phương và trung ương."

Mối quan tâm chung của các đại biểu tham dự chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo 2017 được tóm tắt theo 8 điểm dưới đây:

  1. Quy hoạch điện VII hiệu chỉnh cần được cập nhật và sửa đổi theo hướng giảm nhiệt điện than và tăng tỉ trọng NLTT vì quy hoạch này hiện đang không đồng bộ với các chính sách năng lượng và không còn phù hợp với bối cảnh hiện tại ở Việt Nam. Việt Nam sẽ bị phụ thuộc vào nguồn than nhập khẩu quá lớn (2/3 lượng than cho phát điện) nếu tiếp tục xây dựng mới khoảng 40.000 MW nhiệt điện than vào năm 2030. Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh năng lượng và an ninh môi trường quốc gia. Trong khi đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, cùng với sự tiến bộ về khoa học, công nghệ, năng lượng tái tạo không những cạnh tranh về mặt kinh tế mà còn mang lại nhiều lợi ích về xã hội và môi trường.

  2. Việt Nam cần tái cơ cấu ngành kinh tế theo hướng hạn chế các ngành tiêu tốn nhiều năng lượng, kém hiệu quả, và gây ô nhiễm môi trường mà khuyến khích và đầu tư vào các ngành công nghiệp sử dụng năng lượng tiết kiệm, nhằm giảm nhu cầu sản xuất năng lượng.

  3. Cần xây dựng môi trường thông thoáng, và các hướng dẫn thực thi cơ chế chính sách nhằm khuyến khích các doanh nghiệp để có thể chủ động đầu tư, phát triển NLTT. Mặc dù đã có chính sách, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án đặc biệt là khâu cấp phép, đấu nối.

  4. Nhà nước cần có chính sách đào tạo nhân lực chuyên sâu cho ngành NLTT, để chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ cao trong nước, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành.

  5. Hệ thống điện mặt trời cho hộ gia đình và doanh nghiệp nhỏ cần được đẩy mạnh phát triển, nâng cao nhận thức cho người dân, thiết lập các tiêu chuẩn chất lượng cho hệ thống và việc lắp đặt, đồng thời nâng cao năng lực cho các bên liên quan.

  6. Ưu tiên ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo phi tập trung ở các khu vực không có điện lưới, vùng sâu vùng xa, hải đảo; nhằm tiết kiệm chi phí kéo lưới và tránh hao tổn trong quá trình truyền tải.

  7. Cần đẩy mạnh kết hợp ứng dụng các giải pháp năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong tiến trình thực hiện giúp Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển vền vững, tăng trưởng xanh và đảm bảo an ninh năng lượng theo hướng bền vững.

  8. Cần nghiên cứu, phát triển và đưa vào ứng dụng các mô hình phát triển năng lượng tái tạo tích hơp với phát triển nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tận dụng các mặt bằng có sẵn để tăng hiệu quả sử dụng đất và đầu tư.

Thông tin chi tiết về các sự kiện và tài liệu hội thảo tại: https://www.vsea.info/rew2017

Chúng tôi mong muốn sẽ được hân hạnh đón tiếp Quý vị tại chương trình Tuần lễ Năng lượng tái tạo năm 2018!

Mọi thông tin liên quan, xin vui lòng liên hệ:

Bà Đỗ Minh Tâm, Điều phối viên Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA)

Email: vsea@greenidvietnam.org.vn. | Điện thoại: 04 3795 6372 | Website VSEA: www.vsea.info


Featured Posts
Search News By Category
  • Facebook Social Icon
Follow Us
bottom of page